Dưới thời thuộc Pháp, người dân Hà Nội đã từng có một thói quen theo phong cách châu Âu là dùng thuyền chèo gỗ du ngoạn trên các hồ lớn, tạo nên 1 nét đẹp hòa mình với thiên nhiên và văn hóa đặc thù của thủ đô.
Đua thuyền, chèo thuyền giải trí thời đó khá phổ biến trong giới thanh thiếu niên, nhất là đối với các đôi uyên ương. Hoạt động này sôi nổi đến tận giữa những năm 80 ở một số hồ như Hồ Gươm, hồ Bảy Mẫu, công viên Thống Nhất, Hồ Tây, …
Hà Nội kiên cường vượt qua giai đoạn đầy khó khăn sau chiến tranh, thống nhất đất nước của những thập kỷ 70 – 80 thế kỷ trước, khi mà các nhà thuyền ven hồ thường bị các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó. Nhà thuyền và bến lớn nhất tại Hồ Tây đã trở thành khu căn hộ Lakeside từ cuối năm 90. Chèo thuyền thơ mộng một thời tưởng chừng đã lụi tàn trong kho tàng văn hóa truyền thống của người Hà Nội.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ giữa thập kỷ 90, trong đó Việt Nam đặc biệt hội nhập sâu rộng về thể thao với các thành tích cao. Điều này đã giúp bộ môn đua thuyền hình thành và phát triển trong hơn 20 năm trở lại đây. SEA Games, ASIAD, Olympics là những sự kiện mà thể thao quốc tế Việt Nam ngày càng tích cực tham gia.
Môn đua thuyền đã được hình thành từ đầu những năm 90 để Việt Nam tham gia đầy đủ các giải thi đấu khu vực Đông Nam Á. Một khu nhà thuyền mới tại Hồ Tây, nơi có mặt nước phẳng phù hợp nhất với chuẩn đua thuyền quốc tế đã được xây dựng đầu năm 2000 với nhiều trang thiết bị hiện đại do trung ương và thành phố cùng đầu tư, các thanh thiếu niên từ khắp các vùng miền của đất nước được tuyển về để tập luyện 3 môn chính, canoe, kayak và rowing.
Hồ Tây một lần nữa trở thành nơi sôi động nhờ hoạt động thể thao, những làng nghề cổ duyên dáng bởi đám đông vận động viên chèo thuyền kiên trì tập luyện trên mặt nước.
Nguyễn Võ Hưng – một cựu sinh viên theo học bổng Chevening, đã biến niềm đam mê của mình về môn bơi thuyền theo phong cách truyền thống của các Đại học Anh Quốc như Oxford, Cambridge thành một câu lạc bộ nghiệp dư từ những năm cuối 2006. Tiền thân của CLB Đua thuyền Hồ Tây sau này.
Anh Hưng đã mời được bạn bè bao gồm một số bạn quốc tế sống và làm việc tại thủ đô, để lập ra một nhóm những bạn trẻ yêu môn đua thuyền, đến giờ họ đã luyện tập nhiều môn thể thao dưới nước khác nhau bên cạnh Đội tuyển Quốc gia và của thành phố.
Câu lạc bộ cũng đã đầu tư, nhập về nhiều trang thiết bị hiện đại từ các loại thuyền, ván buồm đến xuồng cao tốc phục vụ an toàn, cứu hộ, phát triển năng lực chăm sóc, bảo dưỡng. Bên cạnh đó CLB cũng mở dần thêm các môn khác như lướt ván, thuyền buồm, lướt ván buồm, …
Câu lạc bộ Đua thuyền Hồ Tây đã thu hút được các doanh nhân, cán bộ quản lý từ các hãng hàng không, ngân hàng, viễn thông, các luật sư, bác sĩ, … Một số đại sứ các nước từ Australia, Thụy Sỹ đã tích cực tham gia với câu lạc bộ khi sống và làm việc tại Việt Nam.
Họ luôn nhớ về những người bạn cùng sinh hoạt môn thể thao thú vị này, giúp cho môn đua thuyền giải trí trên Hồ Tây trở nên thân thiện cho cộng đồng quốc tế. Theo thời gian, Câu lạc bộ đã có những hoạt động đỡ đầu các nhóm vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia trong việc học tập tính đồng đội, nâng cao văn hóa, phát triển tủ sách, thậm chí là hỗ trợ mời huấn luyện viên tình nguyện từ Úc sang đào tạo rowing, nhằm thành tích cao cho việc tham dự các đấu trường khu vực và quốc tế.
Joe Donnelly – kế toán của Trường nội trú trung học Kinross Wolaroi, phía Tây Sydney, ông từng là người dẫn đường chèo thuyền cho đội tuyển Úc, vô địch giải đua thuyền tại Olympic Berlin 1974. Ông Joe đã làm quen với CLB đua thuyền nghiệp dư và từ đó ông tình nguyện làm huấn luyện viên cho đội tuyển Việt Nam trong gần 9 năm qua.
Ông Joe đã kêu gọi rất nhiều nhà hảo tâm đóng góp bổ sung kinh phí cho đội tuyển đua thuyền để vận động viên có thêm điều kiện tập luyện quốc tế, nhằm cọ sát và giành được thứ hạng chưa từng có. Có thể kể đến như vòng loại Olympic, huy chương bạc ASIAD, huy chương vàng SEA Games.