Đua thuyền buồm Sailing là một trong những bộ môn thể thao hấp dẫn nhất trên thế giới, nhưng ở nước ta, sailing còn rất mới mẻ. Nói cách khác, chúng ta đang “khát” sân chơi cho đua thuyền buồm ở Việt Nam.
Nhiều người cho rằng điều này thật đáng tiếc, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài và đẹp, các hồ lớn với sóng tự nhiên, rất thuận lợi để đua thuyền buồm phát triển.
Thú chơi đẳng cấp khẳng định cá tính riêng biệt
Để làm chủ được những chiếc thuyền buồm lướt êm trên biển xanh, chinh phục những con sóng lớn của đại dương, người chơi vừa phải có một thể lực sung mãn, vừa phải có sự bình tĩnh và quả cảm. Hiểm nguy là thế, nhưng đây lại là một trong những bộ môn thể thao được ưa chuộng bậc nhất trên thế giới.
Đến với sailing, người chơi sẽ được trải qua việc “Phơi mình trên biển, dầm mình trong nắng gió, đọ tài đọ sức với sóng nước mênh mông của đại dương bao la”. Vừa là thách thức, vừa là trải nghiệm tuyệt vời cho ai trót lỡ thử đã vội vã đê mê.
Những người trót đam mê bộ môn này nói rằng: “đua thuyền buồm (sailing) mang đến niềm sinh thú mãnh liệt trong đời: tập trung toàn bộ thân thể – trí não lẫn tứ chi, mỗi động tác điều khiển vừa phải phải thật khéo léo, chính xác, vừa phải mạnh mẽ, dứt khoát”.
Chơi thuyền buồm mang đến cảm giác chế ngự thiên nhiên. Mỗi giây phút trên biển đều là mỗi giây phút tôi được tận hưởng thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.
Đua thuyền buồm không chỉ mang đến cho con người ta cảm giác phấn khích cao độ, mà còn khiến khán giả mãn nhãn khi được chứng kiến những pha cạnh tranh gay cấn, xử lý điệu nghệ. Không chỉ thu hút số lượng lớn người thử sức, sailing còn hấp dẫn một lượng người xem đông đảo.
“Khát” sân chơi cho đua thuyền buồm Việt
Với những đặc thù riêng biệt của kể trên, những cuộc đua thuyền buồm đương nhiên là những sự kiện du lịch đặc biệt, thu hút đông đảo người tham gia lẫn du khách.
Còn ở Việt Nam, bên cạnh một số dịp tham gia các cuộc thi châu lục và quốc tế, thì dường như, chưa có một sân chơi thuyền buồm thực sự nào dành riêng cho người Việt. Không ít người đam mê trải lòng rằng họ “khao khát” một sân chơi thuyền buồm thực sự, nơi họ được thỏa mãn sở thích cá nhân, chia sẻ với cộng đồng, ngay tại Việt Nam.
Dẫu rằng một số địa phương như Phú Quốc đã diễn ra Giải đua thuyền buồm mở rộng, ban tổ chức hứa hẹn duy trì giải đấu này hàng năm, dành cho tất cả những vận động viên đua thuyền chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài nước, nhưng như vậy là chưa đủ “giải nhiệt” cho các tay đua.
Ông Võ Đồng Lập – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Kiên Giang cho biết: “Việt Nam có hơn 3000km bờ biển. Nếu chúng ta tận dụng được thế mạnh này để phát triển bộ môn thuyền buồm, không những giúp bộ môn thể thao này trở nên phổ biến hơn, mà còn mở ra cơ hội khai thác du lịch thuyền buồm, tối ưu hoá tiềm năng du lịch biển Phú Quốc, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân”.
Tiềm năng phát triển Sailing Việt Nam
Sailing là môn thể thao trên biển lành mạnh, hấp dẫn. Nó không sử dụng động cơ, máy móc, mà chỉ sử dụng sức gió, sức nước ép lên cánh buồm, cùng sự sự khôn khéo của con người.
Nói về cơ hội và tiềm năng phát triển môn thể thao này, ông Nguyễn Hải Đường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam cho biết: “Sailing ở Việt Nam dù tuổi còn non trẻ, nhưng có đầy đủ tiềm năng phát triển, bởi nước ta có nhiều sông, hồ và đường bờ biển trải dài cùng nhiều bãi biển đep. Các điều kiện về thiên thời, địa lợi, yếu tố con người (thể hình, sự dẻo dai, nhanh nhẹn)… đều đáp ứng”.
Sailing Việt Nam giương buồm ra biển lớn
Sailing đã có trong chương trình thi đấu của Olympics. Do đó, phát triển Sailing không chỉ giúp nhân rộng, mà còn tạo thêm một hướng đi mới cho thể thao Việt Nam ở sân chơi quốc tế trong tương lai gần. Ngoài ra, phát triển Sailing cũng giúp mặt biển Việt Nam sinh động hơn, quảng bá du lịch tốt hơn với những cánh buồm nhiều màu sắc, tựa như đàn hải âu bay lượn trên mặt biển.
SEA Games 32 là giải đấu lớn đầu tiên của đội tuyển sailing Việt Nam, nơi các VĐV có cơ hội thi đấu và học hỏi kinh nghiệm để trưởng thành.
Môn sailing không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh như rowing, mà phụ thuộc nhiều hơn vào trí tuệ, khả năng phân tích tình huống, sự khéo léo, uyển chuyển, nhanh nhẹn của cơ thể, sự phối hợp tay chân, ánh mắt, điều khiển con thuyền trên ngọn sóng, cơn gió để đạt tốc độ nhanh nhất trên đường đua. Người Việt Nam có đủ tố chất và có thể làm được.
Nói về lộ trình phát triển sailing Việt Nam, ông Nguyễn Hải Đường cho biết: “Từ năm 2016, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các liên đoàn châu Á, thế giới, sailing Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Tổng cục TDTT đã quan tâm, đầu tư cho một nhóm VĐV tập huấn để phát triển, xây dựng mô hình nhân rộng môn thể thao này. Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam cũng mời chuyên gia quốc tế sang tư vấn, huấn luyện”.
“SEA Games 32 sẽ là bước khởi đầu cho sailing Việt Nam. Nhờ giải đấu này, các VĐV Việt Nam sẽ trưởng thành, phát triển. Dù cần thời gian để đạt thành tích cao, để cạnh tranh với những nước đã phát triển đua thuyền sailing trong hàng chục năm, nhưng các VĐV đã thi đấu hết sức mình, tiến bộ qua từng sân chơi”.
Hy vọng những cánh buồm của đua thuyền sailing Việt Nam sẽ tận dụng “sức nước, sức gió, thiên thời, nhân hòa” của đất nước, con người xứ Việt nhằm phát triển hơn nữa môn thể thao dẫu mới mẻ nhưng đầy tiềm năng và hấp dẫn.
Mọi thắc mắc, phản hồi, yêu cầu về hướng dẫn, huấn luyện, thuê địa điểm team building, xin quý khách vui lòng để lại thông tin.